Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) trong sáu tháng đầu năm 2021, Bồ Đào Nha sẽ đứng trước một nhiệm kỳ nhiều thách thức, trong đó, việc đưa kinh tế châu Âu từng bước vượt qua “cơn bĩ cực” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Châu Âu đang rất trông chờ quốc gia này có thể tiếp nối những thành công tốt đẹp từ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trước đó của Đức.

Bồ Đào Nha nhận chức Chủ tịch EU

Trong cuộc gặp mới đây với Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen, Thủ tướng Bồ Đào Nha nhấn mạnh, việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là một “vinh dự to lớn” của Bồ Đào Nha và khoảng thời gian sáu tháng tới sẽ là lúc nước này nỗ lực hết sức hợp tác chặt chẽ cùng các tổ chức khác để hoàn thành trọng trách.

Nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trước đó của Đức, có thể thấy, hàng loạt vấn đề nóng của EU đã được giải quyết, từ việc các nhà lãnh đạo 27 nước trong ngôi nhà chung đạt được thỏa thuận về ngân sách tới năm 2027 cùng gói phục hồi kinh tế nhằm giải quyết hậu quả do Covid-19; đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho đến việc EU chính thức ký kết thỏa thuận thương mại lịch sử với Anh thời kỳ hậu Brexit, khép lại quãng thời gian gần 5 năm đàm phán cam go, trắc trở. Những thành công tốt đẹp trong nhiệm kỳ Chủ tịch vừa qua của Đức là nền tảng tốt cho tương lai phát triển của EU, song cũng đặt ra những áp lực đối với người kế nhiệm như Bồ Đào Nha.

Thách thức lớn nhất Bồ Đào Nha phải đối mặt trong 6 tháng nhiệm kỳ của mình là sự xuất hiện của những ca nhiễm biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 tại hàng chục quốc gia châu Âu. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức… phải áp đặt lệnh giới nghiêm để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh và thúc đẩy tiến độ nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa phải nhanh hơn bao giờ hết. Đại dịch thực sự trở thành phép thử đúng nghĩa cho sự đoàn kết của châu Âu và cũng là phép thử cho khả năng lãnh đạo, chèo lái toàn bộ khối vượt qua thách thức về y tế của Bồ Đào Nha.

Khôi phục kinh tế sau đại dịch cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn khác của Chủ tịch Hội đồng EU. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đánh giá, nền kinh tế Khu vực Eurozone năm 2021 sẽ phục hồi chậm hơn so với dự báo ban đầu. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng bước đầu là sự thoả thuận về ngân sách trong toàn EU, ít nhất Bồ Đào Nha đã có nguồn tài chính giúp tái thiết châu Âu trong thời điểm mà gần như toàn bộ các nền kinh tế khu vực đều lâm vào khủng hoảng do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa, hạn chế…

Cuối cùng, Bồ Đào Nha sẽ phải giải quyết một số vấn đề nổi cộm khác, như tìm ra chính sách chung về vấn đề người tị nạn, thực hiện hóa thỏa thuận về thời kỳ hậu Brexit giữa EU và Anh, thúc đẩy chính sách trong quan hệ giữa EU với Mỹ, Trung Quốc, Nga… Ngày nhậm chức, lãnh đạo Bồ Đào Nha cũng nêu rõ, nước này sẽ tập trung đẩy mạnh sự đoàn kết của EU – giữ vững những giá trị cốt lõi của EU, thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp và đưa châu Âu trở thành “ngọn cờ đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mặc dù bắt đầu cương vị mới với bộn bề khó khăn, Thủ tướng Bồ Đào Nha vẫn bày tỏ tin tưởng vào khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời khẳng định không nên nhìn nhận những vấn đề nêu trên là trở ngại, mà là cơ hội cho sự chuyển mình và phát triển hơn nữa của châu Âu, coi đây là cuộc đại tu thiết lập khởi đầu mới cho hệ thống vận hành của toàn khối.

Leave a Reply

Your email address will not be published.