Cách xa hàng ngàn cây số, vậy nhưng giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam tồn tại một mối quan hệ rất đặc biệt. Trong bài viết này, hãy cùng BSOP khám phá mối quan hệ đặc biệt này nhé!

Francesco de Pina & Alexander de Rhodes: Ai mới là cha đẻ của chữ Quốc ngữ?

Mối quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam có lịch sử tương đối xa xưa. Từ thế kỷ 15, các thương buôn Bồ Đào Nha đã có mặt tại Đàng Trong. Đi theo đoàn thuyền là các giáo sĩ Bồ Đào Nha tới đây để truyền giáo. Có thể nói, Bồ Đào Nha là quốc gia phương Tây đầu tiên có mối quan hệ với Việt Nam.

Francesco de Pina và khởi đầu của chữ Quốc ngữ

Francesco de Pina là một giáo sĩ người Bồ Đào Nha tới Đàng Trong để truyền giáo vào năm 1617. Đầu tiên, ông tới Hội An và Nước Mặn (thuộc Bình Định). Sau đó ông tới Thanh Chiêm (thuộc Điện Bàn, Quảng Nam) sinh sống tới khi qua đời vào năm 1625.

Tranh vẽ Francesco de Pina
Tranh vẽ Francesco de Pina

Ông học tiếng Việt rất nhanh và sớm trở thành người nước ngoài giỏi tiếng Việt nhất thời đó. Để có thể truyền lại kinh sách, giáo lý của đạo Thiên Chúa, Pina và một số giáo sĩ khác đã bắt đầu quá trình Latin hóa tiếng Việt.

Những khó khăn ban đầu

Thuở ấy, ngôn ngữ nói của người Việt khá tương đồng với tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên, ngôn ngữ viết lại là một vấn đề nan giải, đặc biệt là với người phương Tây.

Do ảnh hưởng từ hơn 1.000 năm Bắc thuộc, giới trí thức nước ta vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trung Hoa. Tuy không rõ các triều đại trước đó có chữ viết riêng của mình hay không, nhưng các triều đại sau thời Bắc thuộc của người Việt đều dùng chữ Hán là chữ viết chính thức.

Đến khoảng thế kỷ thứ 10, người Việt đã sáng chế ra chữ Nôm bằng cách mượn chữ Hán làm nền tảng. Tuy nhiên, với người phương Tây, nếu chữ Hán khó một thì chữ Nôm khó mười, bởi bạn phải biết và giỏi chữ Hán mới đọc được chữ Nôm.

Văn bản chữ Nôm "Nhật dụng thường đàm"
Chữ Nôm (Từ điển Nhật dụng thường đàm)

Hơn nữa, có những giáo sĩ phương Tây đã nhận xét: “Họ có thể thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của một từ chỉ bằng việc lên và xuống giọng”.

Tuy nhiên, với tài năng thiên bẩm với tiếng Việt và chút kiến thức về nhạc lý, Francesco de Pina là người đã tiến được những bước rất xa trên quãng đường Latin hóa tiếng Việt.

Những thành quả của Francesco de Pina

Trong khoảng 8 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ, giáo sĩ de Pina đã thành công Latin hóa đa số từ vựng tiếng Việt, cùng bước đầu khai sinh hệ thống thanh dấu “sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng”. Các tài liệu được ghi lại bởi các học trò của ông vào khoảng năm 1926 đã bắt đầu xuất hiện các thanh dấu.

Giáo sĩ de Pina đã nảy ra sáng kiến ghi lại tiếng nói của người Việt bằng “những khuông nhạc”. Sáng kiến về hệ thống thanh dấu cũng đến từ chính ngôn ngữ Bồ Đào Nha quê hương ông.

Cách thể hiện chữ Quốc ngữ theo khuông nhạc của Francesco de Pina

Ông de Pina đã chuyển ngữ thành công khá nhiều chữ, từ những chữ bình thường dễ nghe, dễ đọc đến những chữ khó nghe, khó viết như “chớ đi”, “đừng làm”, “khoãn đã nào” [khoan đã nào], “có đi thì đến”, “bán bạo nheo” [bán bao nhiêu], “bao mlớn” [bao lớn]… và tất cả những chữ này đều rất gần với chữ Việt hiện nay.

Trong di cảo chính thức của de Pina tại Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha thì chữ Quốc ngữ đã có dấu như ngày nay. Dưới đây là di cảo của ông, được cho là viết vào khoảng những năm 1623.

Tài liệu về chữ Quốc ngữ của Francesco de Pina - được viết vào khoảng năm 1623.
Di cảo của Francesco de Pina được lưu trữ tại Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha.

Cuối năm 1625, giáo sĩ Francesco de Pina đã ra đi do đuối nước trong một vụ lật thuyền trên biển Cù Lao Chàm.

Thi thể ông được chôn ở sau nhà thờ Thánh Andre, thuộc thôn Thanh Chiêm 1, tỉnh Quảng Nam. Đây là nhà thờ do chính ông thành lập khi đến sống tại Thanh Chiêm. Đây cũng từng là nơi trú ngụ của nhiều giáo sĩ khác, trong đó có Alexander de Rhodes, một giáo sĩ người Pháp và là học trò của Francesco de Pina.

Alexander de Rhodes và cuốn từ điển Việt – Bồ – La

Sau khi Francesco de Pina mất, Alexander de Rhodes đã tới Thanh Chiêm và mang những di cảo của thầy tới Macao, nơi có 2 giáo sĩ khác cũng đang miệt mài Latin hóa tiếng Việt – Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa.

Tuy nhiên chỉ trong khoảng 1 năm sau đó, cả hai giáo sĩ trên đều qua đời do tai nạn thuyền và bệnh tật. Trong hơn 20 năm sau đó, Alexander de Rhodes đã tiếp tục công trình của người thầy Francesco de Pina và các đồng nghiệp giáo sĩ khác.

Năm 1651, quyển từ điển Việt – Bồ – La được xuất bản. Đây là kết tinh công sức của nhiều thế hệ giáo sĩ truyền đạo và được Alexander de Rhodes đúc kết lại. Hai giáo sĩ d’Amaral và Barbosa đều được ghi công trong lời nói đầu của quyển từ điển này.

Quyển từ điển Việt Bồ La do giáo sĩ Alexander de Rhodes xuất bản

Vì nhiều lý do chính trị, người Pháp đã tuyên truyền rằng Alexander de Rhodes (người Pháp) là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, sự thật là đây là công trình của nhiều thế hệ, và Đắc Lộ (tên tiếng Việt của Alexander de Rhodes) chỉ là người đã hoàn thiện và đưa nó ra ánh sáng toàn cầu.

Chỉ mới tới những năm gần đây, những tác phẩm của Francesco de Pina mới được công bố, đặc biệt là tại Hội thảo về chữ Quốc ngữ vào tháng 7/2018 tại Lisbon.

Chữ Quốc ngữ là một công trình được ấp ủ nhiều năm bởi các giáo sĩ thế hệ đầu, được Francesco de Pina hiện thực hóa, Alexander de Rhodes hoàn thiện, đưa ra ánh sáng và Trương Minh Ký góp phần lan tỏa.

Đó là một quá trình trăm năm và ba cái tên kia là những người tiêu biểu nhất. Có thể thấy, mối quan hệ Bồ Đào Nha và Việt Nam đã có lịch sử rất lâu đời.

Mối quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam trong thời hiện đại

Bồ Đào Nha và Việt Nam – Quan hệ đối tác thân cận

Năm 1975, Bồ Đào Nha và Việt Nam chính thức xác lập quan hệ ngoại giao. Trong hơn 45 năm vừa qua, giữa hai nước đã có nhiều phát triển tốt đẹp trên đa dạng lĩnh vực.

Dù cách xa về mặt địa lý, hai bên đều nỗ lực duy trì trao đổi, tiếp xúc ở nhiều cấp.

Bồ Đào Nha luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Bồ Đào Nha trong 6 tháng đầu năm 2020 trùng với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã là dịp để hai bên cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa hai khối.

EVIFTA - Một trong những cột mốc quan trọng của mối quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng là một tín hiệu tích cực khác.

Kim ngạch trao đổi thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 500 triệu USD, tương đương với toàn bộ năm 2020, trong đó, kim ngạch xuất khẩu lớn gấp gần 4 lần nhập khẩu.

Những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh và nhu cầu gia tăng hợp tác như kinh tế biển, du lịch, chế biến cũng đã được các bộ, ngành, đối tác hai bên tích cực trao đổi và thúc đẩy.

Tiềm năng hợp tác trong tương lai

Trong quãng thời gian chống dịch vừa qua, Bồ Đào Nha đã có nhiều khoản viện trở vaccine quan trọng cho Việt Nam.

Hợp tác về văn hóa và ngôn ngữ cũng là một hoạt động lâu đời giữa hai nước. Có rất nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Bồ Đào Nha và ngược lại.

EVIPA - Một trong những bước tiến tương lai của mối quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam

Ngoài EVFTA đã đi vào hiệu lực, Bồ Đào Nha cũng đang thúc đẩy việc thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

Ngoài ra, còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng chưa được hai bên khai phá như kinh tế biển, hàng hải, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dệt may, du lịch…

Ông Alfonso, đại sứ Bồ Đào Nha tại Việt Nam, cũng từng bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam vào top 5 các quốc gia có nhiều nhà đầu tư tham gia chương trình Golden Visa Bồ Đào Nha nhất.

Bài viết được tham khảo từ các nguồn:

Bạn có thể tham khảo các bài viết khác về đất nước Bồ Đào Nha như:

Nếu bạn có nhu cầu định cư tại Bồ Đào Nha, vui lòng để lại thông tin TẠI ĐÂY hoặc gọi ngay hotline 0904 966 797 để được tư vấn tận tình nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published.